Trí tuệ của đám đông
Có hai học thuyết khác hẳn nhau về đám đông. Một cho rằng đám đông là "vô thức", hỗn loạn và mù quáng. Học thuyết đối lập cho rằng đám đông là "hữu thực" và trí tuệ trong một số điều kiện nhất định.
Cuốn sách "The Wisdom of Crowds" cho rằng khi đám đông không nổi loạn hay mù quáng, vì suy nghĩ của nhóm sẽ thông minh, trí tuệ hơn bất kỳ một cá nhân xuất sắc nào.Tác giả, James Surowiecki chuyên viết về kinh doanh và tài chính của chuyên mục "The Financial Page" của tờ The New Yorker. Những bài viết của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí uy tín như The New York Times, The Wall Street Journal, The Motley Fool, Foregn Affaiirs, Artforum, Wired, và Slate. Ông là nghiên cứu sinh tiến sĩ về lịch sử Mỹ tại Đại học Yale.
Nội dung chính của The Wisdom of Crowds - Trí tuệ của đám đông:
Đám đông và dự đoán về cân nặng của một con bò
Năm 1907, nhà khoa học người Anh Francis Galton đã phát hiện ra một điều thú vị tại cuộc triển lãm gia súc và gia cầm ở miền Tây nước Anh.
800 người đã bỏ tiền mua vé để tham gia cuộc thi có thưởng dự đoán trọng lượng của một con bò đực thiến không tính đến lông của nó. Có rất nhiều người không am hiểu về gia súc trong số 800 người dự thi này.
Nhưng thật bất ngờ, kết quả trung bình của 787 người hợp lệ là 1.198 pounds (khoảng 543kg) bằng với cân nặng thật sự của con bò sau khi đã được giết mổ và cạo lông là 1.197 pounds.
Chứng kiến điều này, ông Galton đã viết "Kết quả dường như ca ngợi tính đáng tin cậy của sự phán đoán dân chủ hơn cả sức mong đợi".
Trí tuệ đám đông
Tiếp theo ông Galton, những nhà nghiên cứu khác trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã chứng minh được sự tồn tại của "trí tuệ" đám đông.
Theo đó, khi đám đông không nổi loạn hay mù quáng vì chính suy nghĩ của nhóm thì sẽ thông minh hơn bất kỳ một cá nhân xuất sắc nào trong việc đưa ra những giải pháp cho 3 loại vấn đề chính sau:
1/ Vấn đề nhận thức và giải quyết vấn đề. Đám đông rất giỏi giải quyết những vấn đề có câu trả lời cụ thể, chẳng hạn như: Ai sẽ chiến thắng trong cuộc thi Super Bowl năm nay? Vị trí tốt nhất để xây dựng nhà máy ở đâu? Khả năng để loại thuốc này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận là bao nhiêu?
2/ Vấn đề phối hợp. Đám đông khá giỏi trong việc điều phối các hoạt động của thành viên. Ví dụ như làm thế nào để người mua và người bán tìm thấy nhau và tiến hành giao dịch mua bán với giá hợp lý. Làm thế nào để các công ty tổ chức được các hoạt động của họ?
3/ Vấn đề hợp tác. Đám đông có khả năng hợp tác. Ví dụ như làm thế nào để những người có tính tư lợi và đa nghi có thể hợp tác và đóng góp vào phúc lợi chung? Việc đóng thuế, xử lý nạn ô nhiễm, việc thống nhất mức đóng góp chung hợp lý là những vấn đề hợp tác của đám đông.
Một số ví dụ, chứng cớ đáng kinh ngạc về trí tuệ đám đông
Tháng 5/1968, tàu ngầm Scorpion của Mỹ mất tích trên đường trở về cảng Newport sau khi thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Đại Tây Dương.
Lực lượng Hải quân Mỹ tiến hành cuộc tìm kiếm đầy khó khăn này. Sĩ quan John Craven đã nghĩ ra cách tìm ra tàu dựa vào trí tuệ của đám đông.
Ông tập hợp một nhóm lớn gồm những người hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các nhà toán học, chuyên gia về tàu ngầm, và nhân viên cứu hộ.
Ông yêu cầu từng người trả lời một loạt câu hỏi về sự biến mất của tàu Scorpion, chẳng hạn như tại sao con tàu lâm nạn, tốc độ tàu chạy là bao nhiêu, tàu chìm ở tốc độ nào,...
John Craven yêu cầu từng người trong nhóm đặt cược về câu trả lời của họ nhằm khai thác hết suy nghĩ và kiến thức của họ về tai nạn này.
Sau đó, ông tổng hợp tất cả những câu trả lời của từng người lại để phác hoạ ra một bức tranh tổng hợp mô tả tàu Scorpion đã mất tích như thế nào.
Craven đã lặp đi lặp lại quá trình này để cuối cùng tìm ra được một giải đáp tổng hợp và xác định được vị trí tàu chìm. Sau đó, hải quân đã tìm thấy con tàu Scorpion chỉ cách khoảng 40 mét so với kết quả mà ông Craven xác định.
Vào lúc 11 giờ 38 sáng 28/1/1986, tàu vũ trụ con thoi Challenger được phóng vào vũ trụ. 74 phút sau khi lên đến độ cao 10 dặm (khoảng 16km) và đang tiếp tục bay, con tàu bị nổ.
Ngay sau đó thị trường chứng khoán đã phản ứng tiêu cực với cổ phiếu của 4 nhà thầu cùng tham gia dự án tàu con thoi này. Đó là Rockwell International đảm nhận việc xây dựng con tàu và những động cơ chính, Lockheed quản lý việc hỗ trợ mặt đất, Martin Marietta chế tạo thùng chứa nguyên liệu bên ngoài con tàu, và Morton Thiokol xây dựng tên lửa tăng tốc chạy bằng nhiên liệu trắng.
Cổ phiếu của bốn công ty này đã giảm mạnh 3-8%. Qua ngày sau, cổ phiếu của ba công ty bắt đầu phục hồi về mức giảm 3%, riêng cổ phiếu của Morton Thiokol gảm đến 12%. Cứ như thị trường đã tìm ra chứng cứ để quy cho Morton Thiokol trách nhiệm chính về thảm hoạ của tàu Challenger.
Sáu tháng sau, hội đồng thanh tra mới kết luận chính thức rằng chính sự đàn hồi kém trong thời tiết lạnh của các vòng đệm chữ O do Morton Thiokol sản xuất là nguyên nhân chính của tai nạn, và các công ty khác được miễn trừ trách nhiệm.
Những cuộc điều tra sâu hơn để tìm xem liệu có sự rò rỉ thông tin từ Ban quản trị Morton Thiokol đã đưa ra kết quả bằng 0. (Trước khi có kết quả điều tra, Ban quản trị Morton Thiokol hoàn toàn không tin rằng họ có lỗi. Mà nếu có tin thì họ cũng bảo vệ thông tin chứ không tiết lộ thông tin ra thị trường).
Rõ ràng đám đông các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã hết sức thông minh khi tìm ra chính xác công ty có lỗi chỉ sau 30 phút xảy ra tai nạn.
Cơ chế tìm kiếm chính xác của Google dựa vào trí tuệ của đám đông. Yahoo!, Alvista và Lycos là những công cụ tìm kiếm hàng đầu cho đến khi Google xuất hiện vào năm 1998. Cốt lõi của cỗ máy tìm kiếm này là cơ chế Page Rank do Sergey Brin và Larry Page phát minh năm 1996. Đây là một phương pháp tính toán cho phép tất cả các trang web trên internet quyết định trang nào liên quan đến thông tin đang được tìm kiếm nhất.
Chi tiết cụ thể như sau: Thuật toán Page Rank liên kết từ trang A sang trang B như một phiếu bầu của trang A cho trang B.
Google còn đánh giá tính quan trọng của các trang. Tổng hợp số lượng của các phiếu bầu, các liên kết cùng với tính quan trọng của phiếu bầu, thuật toán Page Rank của Google sẽ cho ra kết quả - tức là các trang liên quan đến nội dung tìm kiếm - có độ tương ứng xếp từ cao xuống thấp.
Khi nào thì đám đông có trí tuệ?
Không phải lúc nào đám đông cũng thông minh hơn từng người, đặc biệt là những người giỏi nhất. Có 4 điều kiện cần thiết để cho một đám đông thông minh là:
1/ Sự đa dạng về ý kiến. Mỗi người nên có một thông tin riêng nào đó, dù đó có thể là một cách diễn giải đặc biệt về những sự kiện đã biết.
2/ Sự độc lập. Các ý kiến của mọi người không được hình thành theo ý kiến của những người xung quanh.
3/ Sự phân cấp - phi tập trung hoá. Không có bất cứ một sự chỉ đạo (từ trung tâm) nào đối với từng thành viên trong nhóm.
4/ Sự tổng hợp. Nhóm phải có cơ chế để biến những ý kiến riêng thành ý kiến tập thể.
Sự đa dạng - Câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô Mỹ thế kỷ XIX và cách đàn ong kiếm mật
Thời kỳ đầu của ngành công nghiệp ô tô Mỹ - cũng như các ngành khác như đường sắt, truyền hình, máy tính cá nhân, thương mại điện tử... đều có một đặc điểm chung - đó là lúc đầu tồn tại nhiều công ty, nhiều sự lựa chọn, nhiều mô hình khác nhau.
Nhưng qua thời gian, thị trường sẽ dần phân biệt người thắng và kẻ thua, những mô hình/công nghệ không hiệu quả sẽ bị loại, còn lại là những mô hình/công nghệ hiệu quả.
Hậu quả là nhiều công ty phá sản, và xã hội lãng phí hàng tỷ đô la vào những mô hình/công nghệ không có đường ra. Đây không phải là cách chọn lọc khôn ngoan. Hãy xem xét cách đàn ong phân công kiếm mật.
Đàn ong không thảo luận sẽ bay đi tìm mật ở đâu, thay vào đó chúng cử nhiều con ong bay đi nhiều hướng để tìm kiếm mật trong khu vực cách tổ từ 2 - 6 km. Con ong nào tìm thấy nguồn mật sẽ trở về tổ và thực hiện điệu bay vẩy đuôi để báo tin.
Cường độ vẩy đuôi này tỷ lệ thuận với mức độ dồi dào của nguồn mật chúng kiếm được. Kết quả là toàn bộ đàn ong sẽ tập trung về nơi có nguồn mật nhiều nhất mà không bị phân tán ra nhiều nơi.
Quy trình chọn lựa của loài ong gồm hai giai đoạn đơn giản. Giai đoạn 1: đa dạng hoá, tức là nhiều con ong đi tìm để tìm ra những khả năng có thể. Giai đoạn 2: quyết định chọn một trong số những khả năng đó cho toàn tổ.
Việc này khác với hành động của các công ty trong thời kỳ đầu của ngành công nghiệp. Họ đã tủa ra lập công ty theo nhiều mô hình/công nghệ, chứ không quyết định ngay một công nghệ hiệu quả để cùng thực hiện.
Tính đa dạng của đám đông là một yếu tố quan trọng. Những cuộc nghiên cứu cho thấy một nhóm ngẫu nhiên gồm những người không phải chuyên gia hiệu quả hơn một nhóm toàn chuyên gia khi giải quyết các vấn đề.
Kiến thức và trải nghiệm tương tự nhau của các chuyên gia đã làm giảm đi sự hiệu quả của tính đa dạng. Sự hợp tác một nhóm đa dạng sẽ khôn ngoan, thông minh hơn những chuyên gia tài giỏi nhất.
Một điểm quan trọng nữa là sự đa dạng của nhóm sẽ dẫn đến sự độc lập của các ý kiến của các thành viên trong nhóm.
Đám đông cần độc lập về ý tưởng để trở nên thông minh
Sự độc lập về ý tưởng của các thành viên trong nhóm rất quan trọng đối với việc ra quyết định thông minh với hai lý do. Thứ nhất, nó không để những sai lầm của mọi người tương quan lẫn nhau dẫn đến những định hướng sai lầm.
Thứ hai, các thành viên có nhiều khả năng sẽ có thông tin mới hơn, từ góc cạnh khác chứ không phải là những dữ liệu cũ, những góc nhìn đã quen thuộc với mọi người.
Độc lập là yếu tố rất quan trọng đối với trí tuệ của đám đông, Mặt khác, đám đông rất khó đạt sự độc lập bởi con người có khuynh hướng ảnh hưởng lẫn nhau.
Khi đối mặt với nguồn ảnh hưởng lớn, con người thường có những hành vi mang tính bầy đàn. Nguồn gốc của hành vi đám đông này là do con người thường có tính truyền đạt thông tin và hành động theo "bằng chứng xã hội" - tức là những gì đám đông làm.
Ví dụ như khi đi qua một ngã tư, nếu chúng ta thấy hầu hết mọi người ở ngã tư đó nhìn lên trời, thì khả năng chúng ta cũng sẽ nhìn lên trời là rất cao. Khi thấy nhiều người xếp hàng ở một nhà hàng thì chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng nhà hàng đó nấu ăn ngon hay có gì đó đặc biệt.
Chính hành vi đám đông/tâm lý bầy đàn này tạo ra những bong bóng chứng khoán trên các thị trường thế giới và nhiều hiện tượng không hay khác.
Tuy vậy, biết "lợi dụng" tâm lý đám đông cũng sẽ giúp cho chúng ta thực hiện tốt công việc của mình. Ví dụ như để khuyến khích các cư dân ở một vùng ngoại ô Los Angeles tái chế rác, Wess Schultz chia cư dân ra làm hai vùng. Một số vùng nhận được tờ rơi về lý do tại sao phải tái chế rác, những tiện ích của việc tái chế rác và cách thực hiện. Cư dân vùng kia nhận được tờ rơi nói rõ đã có bao nhiêu cư dân ở các vùng khác thực hiện việc tái chế rác và họ đã thực hiện việc đó như thế nào.
Cách sau - sử dụng hiệu ứng của đám đông - đã phát huy hiệu quả.
Cần sự phân cấp - phi tập trung hoá giúp đám đông giữ được tính đa dạng và độc lập.
Sự phân cấp giúp cho đám đông giữ được sự đa dạng và tính độc lập vốn là những yếu tố cần thiết giúp cho đám đông luôn thông minh.
Tuy vậy, sự phân cấp hay sự không tập trung hoá cũng có vấn đề, đó là thông tin quan trọng không được chia sẻ giữa các thành viên của đám đông.
Để giải quyết vấn đề này, đám đông phải tiếp tục kiên định trong việc phân cấp, và phải xây dựng một hệ thống liên kết và chia sẻ thông tin quan trọng giữa các thành viên của đám đông.
Đề án FutureMAP được đề xuất để thu thập thông tin, ý kiến của người dân thông qua việc cá cược trên những sự kiện về khủng bố có thể xảy ra. Thông tin này sẽ được chia sẻ cho những thành viên của nhóm phân tích. Đề án này bị Thượng viện M4y và nhiều người phản đối quyết liệt, nhưng thật sự là một phương án rất tốt trong việc thu thập thông tin của đám đông.
Sự hợp tác của đám đông
Đám đông có khả năng hợp tác cao hơn những gì chúng ta có thể nghĩ đến.
Năm 1996, Whyte, tác giả cuốn "Con người tổ chức", đã quan sát những người bộ hành di chuyển trên đường phố tại New York và phát hiện ra sự hợp tác tinh tế của đám đông.
Mặc dù đường rất đông và mỗi người có một cách di chuyển khác nhau, nhưng họ đã phối hợp nhịp nhàng để nhường nhau chỗ trống, tránh va chạm vào nhau, tránh bị xe đụng ở những giao lộ, và đám đông khổng lồ này liên tục vận hành trên đường phố New York.
Năm 1958, nhà khoa học xã hội Thomas Schelling đã tiến hành thí nghiệm với một nhóm sinh viên luật đến từ New Haven Connecticut. Bài tập đưa ra cho từng người là trong ngày đó họ phải đi đón một người nào đó ở thành phố New York, nhưng không biết họ là ai, không biết đón vào giờ nào, và không được liên lạc trước với họ.
Kết quả đạt được khá ngạc nhiên: đa số sinh viên chọn địa điểm để đón là phòng thông tin của nhà ga trung tâm thành phố, và vào giờ giữa trưa.
Trong một thí nghiệm khác, ông cho một đám đông xem một cái hộp được chia làm 16 phần vuông. Mỗi người được quyền đánh dấu vào một phần vuông của cái hộp. Họ sẽ được thưởng nếu như tất cả mọi người đều đánh dấu vào một phần ô vuông. Kết quả là 60% đã đánh dấu vào phần vuông trên cùng, bên trái.
Schelling giải thích trong đầu của mọi người phát ra một điểm đầu mối, nơi gặp gỡ chung của tất cả mọi người. Điểm này được gọi là điểm "Schelling".
Sự tồn tại của điểm chung "Schelling" này chứng tỏ những trải nghiệm của những con người rất khác nhau lại rất giống nhau, và họ có thể hợp tác với nhau mà không cần sự chỉ đạo chung, và sự thông tin cho nhau.
(Theo DNSG)
Trí tuệ của đám đông
Reviewed by Unknown
on
10:54:00
Rating:
No comments: